Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

ẢNH HƯỞNG CỦA KHỦNG HOẢNG TÀI CHÍNH THẾ GIỚI ĐẾN TÀI CHÍNH VÀ KINH TẾ VIỆT NAM.-an

3 posters

Go down

ẢNH HƯỞNG CỦA KHỦNG HOẢNG TÀI CHÍNH THẾ GIỚI ĐẾN TÀI CHÍNH VÀ KINH TẾ VIỆT NAM.-an Empty ẢNH HƯỞNG CỦA KHỦNG HOẢNG TÀI CHÍNH THẾ GIỚI ĐẾN TÀI CHÍNH VÀ KINH TẾ VIỆT NAM.-an

Bài gửi by an 27/11/2009, 10:09 pm

ẢNH HƯỞNG CỦA KHỦNG HOẢNG TÀI CHÍNH THẾ GIỚI ĐẾN TÀI CHÍNH VÀ KINH TẾ VIỆT NAM.
A. Tổng quan
Khủng hoảng tài chính Mỹ bắt nguồn từ việc các ngân hàng nước này quá dễ dãi, tùy tiện khi cho khách hàng vay tiền để mua bất động sản qua các hợp đồng cho vay không đạt tiêu chuẩn.

Nguyên nhân cuộc khủng hoảng

Có thể nói một cách đơn giản là từ lâu nay đa số người Mỹ vay tiền từ các ngân hàng để mua nhà, với thời hạn hợp đồng từ 10 năm đến 30 năm. Đó là việc bình thường. Nhưng trong 10 năm trở lại đây thị trường nhà đất phát triển mạnh, các ngân hàng và các tổ chức cho vay ào ạt tiếp thị tạo ra những hợp đồng cho vay không đạt tiêu chuẩn và khuyến khích cả những người không đủ khả năng tài chính cũng đi vay tiền để mua nhà.
Ngoài ra các tổ chức cho vay còn “sáng chế” ra những hợp đồng bắt đầu với lãi suất rất thấp trong những năm đầu và sau đó điều chỉnh lại theo lãi suất thị trường. Hậu quả là một số lớn hợp đồng cho vay không đòi được nợ. Nguy hại hơn nữa là các tổ chức tài chính phố Wall đã gom góp các hợp đồng cho vay bất động sản này lại làm tài sản bảo đảm, để phát hành trái phiếu ra thị trường tài chính quốc tế.
Các loại trái phiếu này được mệnh danh là “Mortgage backed securities – MBS”, một sản phẩm tài chính phái sinh được bảo đảm bằng những hợp đồng cho vay bất động sản có thế chấp. Các tổ chức giám định hệ số tín nhiệm (Credit rating agencies) đánh giá cao loại sản phẩm phái sinh này. Và nó được các ngân hàng, công ty bảo hiểm, quỹ đầu tư, quỹ hưu trí trên toàn thế giới mua mà không biết rằng các hợp đồng cho vay bất động sản dùng để bảo đảm là không đủ tiêu chuẩn.
Trong vài năm trở lại đây thị trường bất động sản liên tiếp hạ nhiệt, người đi vay đã không có khả năng trả được nợ lại cũng rất khó bán bất động sản để trả nợ, và kể cả bán được thì giá trị của bất động sản cũng đã giảm thấp tới mức không đủ để thanh toán các khoản còn vay nợ.
Hậu quả là một số lớn hợp đồng cho vay bất động sản dùng để bảo đảm cho các trái phiếu MBS là nợ khó đòi, các trái phiếu MBS mất giá trên thị trường thứ cấp, thậm chí không còn mua bán được trên thị trường, khiến cho các ngân hàng, các nhà đầu tư nắm giữ những trái phiếu này không những bị lỗ nặng và mất cả khả năng thanh toán.
Theo ước tính của nhiều chuyên gia trong 22.000 tỷ USD giá trị bất động sản tại Mỹ thì có tới hơn 12.000 tỷ USD là tiền đi vay, trong đó khoảng 4.000 tỷ USD là nợ xấu. Các nước khác cũng bắt chước Hoa Kỳ và bán ra loại trái phiếu phái sinh MBS này trong thị trường tài chính của họ.
Vì vậy trên toàn thế giới tổng số nợ bất động sản khó đòi và tổng số MBS bị “nhiễm độc” chưa thể tính hết được. Bear Stern, Indy Mac, Fannie Mae, Freddie Mac, Lehman Brothers, Meryll Lynch, Washington Mutual, Vachovia, Morgan Stanley, Goldman Sachs v.v. (Mỹ), New Century Financial, Northern Rock, HBOS, Bradford & Bringley (Anh quốc), Dexia (Pháp-Bỉ-Luxembourg), Fortis, Hypo (Đức-Bỉ), Glitner (Iceland) hoặc bị lung lay hoặc bị ngã gục.
Cơn chấn động tài chính ở Hoa Kỳ chắc chắn sẽ khiến nhiều thị trường tài chính, nhiều ngân hàng trên khắp thế giới bị rung động theo, bởi hàng loạt ngân hàng lớn trên thế giới đã đầu tư mua loại trái phiếu MBS này.
Trầm trọng hơn nữa là những “hợp đồng bảo lãnh nợ khó đòi”, tiếng Mỹ gọi là “Credit Default Swap – CDS”. Các hợp đồng này do các tổ chức tài chính và các công ty bảo hiểm quốc tế bán ra, theo đó bên mua CDS được bên bán bảo đảm sẽ hoàn trả đầy đủ số nợ cho vay nếu bên vay không trả được nợ.

Bên Mỹ tổng số CDS ước tính khoảng 35 nghìn tỷ USD, và toàn thế giới khoảng 54.600 tỷ USD (theo ước tính của Hiệp hội “International Swap and Derivatives Association”).
Tập đoàn tài chính và bảo hiểm hàng đầu thế giới AIG bị đổ vỡ, một phần là do đầu tư vào MBS và phần lớn là do các hợp đồng CDS này. Rồi đây, nếu thị trường tài chính Mỹ không được giải cứu kịp thời, và thị trường tài chính thế giới bị đóng băng, các hợp đồng CDS sẽ tàn phá các ngân hàng và các định chế tài chính khác đến mức khủng khiếp chưa thể lường hết được.
Tác động của cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ sẽ lan rộng ra trên khắp các thị trường tài chính phát triển vì những lí do đã nói trên. Hàng loạt các ngân hàng lớn nhỏ sẽ bị sụp đổ, sẽ bị sáp nhập hoặc quốc hữu hóa. Tín dụng toàn cầu sẽ bị co rút lại. Các tập đoàn sản xuất kinh doanh sẽ gặp khó khăn tiếp cận nguồn vốn vay ngắn hạn và dài hạn.
Đối với từng khu vực, từng lĩnh vực, tác động sẽ khác nhau vì nó phụ thuộc vào mối quan hệ kinh tế thực tế trong lĩnh vực vay trả nợ, xuất nhập khẩu, đầu tư kỹ thuật, công nghệ, những nước nào hoặc những khu vực nào phụ thuộc hoàn toàn vào Mỹ sẽ chịu ảnh hưởng lớn và bị tác động trực tiếp.
Điều này chúng ta thấy không ít ngân hàng lớn tại Anh và Đức đang gánh chịu tác động trực tiếp từ cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng này. Còn nước nào mà quan hệ kinh tế chưa chặt chẽ lắm với Mỹ thì tác động cũng chỉ ở mức độ nào đó thôi.
Dự đoán trong một vài tháng tới, sự đổ vỡ sẽ lần lượt như kiểu quân bài domino có thể xẩy ra, chưa thể biết được cú gục ngã của Lehman Brothers và một số định chế tài chính khác của Mỹ sẽ còn kéo thêm bao nhiêu ngân hàng, tổ chức tài chính, bảo hiểm đi vào kết cục giống như vậy bởi nguy cơ thiếu thanh khoản.
Cơn chấn động tài chính ở Hoa Kỳ chắc chắn sẽ khiến nhiều thị trường tài chính, nhiều ngân hàng trên khắp thế giới bị rung động theo. Có rất nhiều ngân hàng từ châu Á sang châu Âu đều đã cho Lehman Brothers và các ngân hàng Mỹ trên bờ phá sản vay những số tiền rất lớn. Ngoài ra, có nhiều ngân hàng quốc tế đã bị “nhiễm độc” với trái phiếu MBS và các hợp đồng CDS.
Việt Nam có tránh được cơn bão khủng hoảng tài chính?

Tác động trực tiếp đối với nền kinh tế Việt Nam thì không lớn, vì chưa có định chế tài chính nào của Việt Nam đầu tư vào trái phiếu MBS và các hợp đồng cho vay cầm cố như Mỹ. Nói là không tác động lớn và không trực tiếp thôi, nhưng khủng hoảng tài chính ở Mỹ hiện nay cũng có những tác động nhất định đến thị trường tài chính - tiền tệ Việt Nam, vì kinh tế Mỹ là nền kinh tế lớn chiếm 30% tổng sản lượng, chu chuyển vốn thị trường thế giới. Trong điều kiện hiện nay, tất cả các quốc gia đều đã hội nhập nên “nhất cử, nhất động” của một nền kinh tế nào đó cũng có ảnh hưởng nhất định đối với thế giới, chưa nói tới một nền kinh tế lớn như Mỹ.
Nhưng tác động gián tiếp lại khá mạnh. Trước mắt có những vấn đề, ví dụ lãi suất cho vay liên ngân hàng quốc tế - LIBOR và SIBOR - đang tăng. Nó có thể ảnh hưởng tới nợ ngắn hạn của Việt Nam tại các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp. Mặc dù số nợ này không lớn, chỉ khoảng hai tỷ USD, nhưng người ta buộc phải tái cấu trúc kỳ hạn và lãi suất, và như thế có thể ảnh hưởng tình hình tài chính của một số ngân hàng và doanh nghiệp. Khủng hoảng ở Mỹ có thể làm cho người dân dự đoán USD sẽ xuống giá và họ có thể rút USD khỏi ngân hàng, hoặc bán USD mua tiền Việt gửi vào. Nó có thể làm cấu trúc tài sản của các ngân hàng rơi vào thế bất lợi.
Trong lĩnh vực thương mại, một khi mà người tiêu dùng Mỹ thắt chặt hầu bao thì nhiều nền kinh tế dựa chủ yếu vào nguồn lợi từ xuất khẩu chắc chắn sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Với Việt Nam cũng vậy, hiện nay 60% GDP của chúng ta là để phục vụ cho xuất khẩu, mà Mỹ là thị trường nhập khẩu quan trọng các mặt hàng dệt may, da giày, thuỷ sản của Việt Nam. Khủng hoảng tài chính của Mỹ có thể làm cho xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ giảm mạnh vì hai lý do (1) Là hàng xuất khẩu của Việt Nam một phần lớn vẫn là các loại hàng thô, trong khi giá các nguyên liệu thô trên thị trường thế giới đang giảm, kể cả khi không có khủng hoảng ở Mỹ, và (2) là sự eo hẹp của thị trường tài chính dẫn đến eo hẹp thị trường nhập khẩu hàng hóa, nhu cầu về hàng xuất khẩu của Việt Nam giảm đi.
Không riêng gì Việt Nam mà nhiều quốc gia ở châu Á còn phải chịu những tác động sâu xa hơn từ việc thị trường xuất khẩu lớn nhất bị suy thoái. Mỹ là một nền kinh tế 70% tiêu dùng. Một khi mà người tiêu dùng Mỹ thắt chặt hầu bao, không còn vung tiền chi tiêu mua sắm ôtô, tivi, tủ lạnh, thực phẩm... thì các nền kinh tế dựa chủ yếu vào nguồn lợi từ xuất khẩu chắc chắn sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Giá bất động sản ở Việt Nam cũng có thể xuống thấp hơn nữa. Mà bất động sản xuống thì tài sản ngân hàng cũng xuống theo và nợ xấu có thể tăng lên. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước thì dư nợ cho vay bất động sản tính đến cuối tháng 9/2008 là 115.500 tỷ VND, chiếm 9,15% tổng dư nợ toàn hệ thống. Bao nhiêu là nợ đã quá hạn hoặc khó đòi thì không có báo cáo. Kết quả tài chính của nhiều ngân hàng thương mại có thể không được như mong muốn vào cuối năm nay. Đấy là những tác động ngắn hạn.
Vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam có thể chững lại, thậm chí vốn đã cam kết sẽ thực hiện trễ hơn bởi khoảng 80% vốn đầu tư vào Việt Nam là đi vay. Khi không đi vay được thì nhà đầu tư sẽ khó giải ngân vào Việt Nam. Vốn cam kết thì lớn, nhưng vốn thực hiện có thể thấp, tình hình giải ngân những tháng cuối năm sẽ gặp khó khăn.
Thị trường chứng khoán Việt Nam chưa gia nhập vào hệ thống thị trường chứng khoán thế giới nên ảnh hưởng tương đối nhỏ. Lo ngại là phần lớn nhà đầu tư nước ngoài sẽ rút vốn về khi nguồn vốn của họ bị co lại. Khi đó, một lượng không nhỏ USD sẽ ra khỏi Việt Nam. Dù vốn của các nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam không nhiều, chỉ khoảng 20% tổng vốn, nhưng nếu họ rút ồ ạt thì sẽ ảnh hưởng ngay đến thị trường chứng khoán Việt Nam.
Nếu các nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu bán ra thì các cơ quan chức năng của chúng ta nên nghiên cứu vấn đề này. Do vậy, thời gian tới Ủy ban Chứng khoán, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính cần phải họp bàn xem các tổ chức nào sẽ có khả năng rút vốn ở thị trường Việt Nam và cần dự báo các tổ chức đó bán cổ phần, cổ phiếu của Việt Nam đến mức nào, ảnh hưởng ra sao đến dự trữ ngoại hối; cũng cần phải cảnh báo với thị trường và các nhà đầu tư trong nước để tránh hoảng loạn trên thị trường.
Khu vực ngân hàng của Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn, nhưng không phải quá lớn. Những ngân hàng nhỏ với vốn điều lệ dưới mức tối thiểu quy định 1.000 tỷ đồng có thể sẽ phải sáp nhập với các ngân hàng lớn, nhưng sự đổ bể của hệ thống tài chính Việt Nam khó có khả năng xẩy ra. Nhưng lợi nhuận của nhiều ngân hàng có thể giảm, thậm chí một số có thể lỗ. Đến cuối năm nợ xấu có thể tăng lên và lúc bấy giờ Chính phủ có thể buộc phải có giải pháp để xử lý các khoản nợ xấu.








B. Ảnh hưởng đến Tài chính và kinh tế Việt Nam
I. Thị trường tài chính- Tiền tệ
Với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đang diễn ra sẽ không có nhiều tác động trực tiếp đến hệ thống tài chính Việt Nam, nhưng nền kinh tế có khả năng sẽ bị ảnh hưởng lớn.
Vấn đề thứ nhất, do hệ thống tài chính Việt Nam dường như chưa hội nhập chung với hệ thống tài chính toàn cầu, chúng ta chỉ mới mở cửa tài khoản vốn vào mà hầu như chưa mở cửa dòng ra, do vậy lượng tiền Việt Nam đầu tư ra bên ngoài dường như không đáng kể và dòng vốn gián tiếp đổ vào Việt Nam chưa nhiều nên hệ thống tài chính của Việt nam sẽ không chịu nhiều tác động từ cuộc khủng hoảng này so với các nước có mức độ hội nhập tài chính sâu rộng. Những tác động chính từ cuộc khủng hoảng hiện tại đối với hệ thống tài chính Việt Nam chủ yếu là yếu tố tâm lý. Thấy Dow Jones sụp thì VN-Index cũng xuống theo, trong khi hai thứ dường như không liên quan nhiều với nhau
Đối với thị trường chứng khoán, có khả năng nhà đầu tư nước ngoài phải thu hồi nguồn vốn và bán chứng khoán. Điều này tác động đến dự trữ ngoại hối và giá cả trên thị trường chứng khoán. Nhà đầu tư nước ngoài bán ra nhiều hơn mua vào sẽ làm giảm giá chứng khoán của Việt Nam.
Chứng khoán
Ảnh hưởng đối với TTCK Việt Nam
Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng, trong quá trình thị trường tài chính có biến động mạnh ở một hoặc nhiều nước phát triển, các TTCK toàn cầu có độ liên thông lớn hơn rất nhiều so với thời kỳ ổn định. Việt Nam cũng không nằm ngoài quy luật đó.
Tính chất này được giải thích bởi quy luật tâm lý đám đông. Con người hay động vật thường có xu hướng làm theo đầu đàn. Lấy một ví dụ vui: Trên đường phố đi bộ có một người nhìn lên trời (đơn giản vì cô ta đang bị chảy máu cam!) thì sẽ có nhiều người nhìn lên theo. Tuy nhiên, khi nhìn mỏi cả cổ mà không thấy gì hay ho, có ích cho mình thì họ lại bỏ đi. TTCK Việt Nam cũng có phần giống như vậy, khi thấy thị trường thế giới lao dốc, các NĐT cũng bán tháo cổ phiếu theo. Nhưng khi bán mãi, đến một lúc nào đó họ chợt nhận ra rằng, sự kiện kia chẳng liên quan gì đến mình, mà do quá đà họ đã làm cho giá cổ phiếu rẻ đi rất nhiều, lúc đó họ bắt đầu quay lại thị trường làm công việc của riêng mình là phân tích để lựa chọn mua bán cổ phiếu. Và lúc đó, thị trường Việt Nam sẽ lại tách ra khỏi thị trường thế giới.
Tuy nhiên, điều đáng lo cho TTCK Việt Nam hiện nay là động thái bán ra nhiều hơn mua vào của nhà ĐTNN. Tổng số tiền bị khối này rút ra khỏi thị trường do bán cổ phiếu và trái phiếu từ đầu tháng 10 đến nay là 932 tỷ đồng và khoảng 11.000 tỷ đồng đối với trái phiếu, kể từ đầu tháng 8 đến nay, góp phần không nhỏ cho của sự đi xuống của thị trường trong thời gian qua. Một số khả năng giải thích cho động thái bán ròng của khối nhà ĐTNN là: (1) Rút vốn về để hỗ trợ công ty mẹ (hoặc cá nhân) đang bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng; (2) Chờ kết quả kinh doanh quý III/2008 của các doanh nghiệp niêm yết để cơ cấu lại danh mục đầu tư; (3) Chờ giá chứng khoán giảm sâu hơn; (4) Đầu tư vào BĐS, giải ngân cho các dự án khác tại Việt Nam... Nếu khả năng (2), (3) xảy ra thì thị trường có thể tiếp tục giằng co, nhưng sẽ bật dậy khi có tin tốt về nền kinh tế trong nước và của TTCK quốc tế (45%).
Cần nói thêm rằng, ở Việt Nam, phần lớn quỹ ĐTNN là quỹ đóng và có thời hạn hoạt động tương đối dài (vốn dài hạn) nên khả năng rút vốn của các quỹ này là nhỏ. Không những thế, có thể họ còn là nguồn hỗ trợ đắc lực cho thị trường trong thời gian tới.
Chúng tôi tin rằng, giá cổ phiếu của thị trường Việt Nam hiện đang rất hấp dẫn. Từ đầu tháng 9 tới nay, giá cổ phiếu ở Việt Nam đã giảm khoảng 40%, giảm mạnh hơn nhiều so với các thị trường khác (Dow Jones: 27%; EU: 34%; Asia Pacific: 30%). Tính từ đầu năm, TTCK Việt Nam giảm khoảng 60% so với mức giảm 30% của chỉ số Dow Jones.
15/9/2008 là một ngày đặc biệt đối với giới đầu tư tại Mỹ, bởi từ sau vụ khủng bố ngày 11/9/2001, thị trường tài chính Mỹ mới có một cú sốc lớn đến như vậy. Ngân hàng Lehman Brothers nộp đơn xin phá sản, Merrill Lynch bị thâu tóm, AIG lao đao… và hệ quả là một phiên trượt dốc dài của thị trường chứng khoán Phố Wall.

Liệu thị trường chứng khoán Việt Nam có bị tác động tiêu cực từ cuộc khủng hoảng này hay không?

Tác động từ sự lưu chuyển dòng vốn...

Về mặt lý thuyết, trước một cuộc khủng hoảng tài chính, các quỹ đầu tư sẽ co lại chờ đợi cơ hội, hoặc bán tháo các tài sản và chuyển thành ngoại tệ mạnh, hay nói cách là khác cơ cấu lại danh mục đầu tư theo định hướng riêng. Thế nhưng, trong số các quỹ đầu tư vẫn xuất hiện các quỹ đầu tư mạo hiểm luôn luôn tìm kiếm cơ hội khi thị trường có biến động thực sự. Và các cuộc khủng hoảng chính là cơ hội cho họ. Do đó, còn quá sớm để nói về một cuộc rời bỏ thị trường ồ ạt, khi mà các quỹ đầu tư mạo hiểm thường lẳng lặng mua cổ phiếu vào, và cũng “lẳng lặng” bán nó ra theo chiến lược của mình.
Một câu hỏi nhiều người đang quan tâm là liệu các dòng vốn gián tiếp đổ vào Việt Nam có sớm rút khỏi biên giới, trong trường hợp thị trường Mỹ và nhiều nước phát triển có biến động mạnh?
Bản chất của lưu chuyển dòng vốn trên toàn cầu là dịch chuyển từ nơi này sang nơi khác, chuyển từ nơi bị khủng hoảng sang thị trường có tiền năng hoặc an toàn hơn, và nó sẽ luôn vận động chứ không đứng yên. Nếu thị trường Mỹ quá nhiều rủi ro thì dòng vốn ở thị trường này sẽ được chu chuyển sang thị trường có độ an toàn hơn hoặc có khả năng sinh lời cao hơn. Trên thực tế, chênh lệch lãi suất USD giữa Việt Nam và Mỹ đã lên đến trên 4%, trong khi đó lạm phát ở Mỹ lại cao hơn 2% so với mặt bằng lãi suất cơ bản ở nước này.
Vì vậy, các thị trường mới nổi, ít liên thông với các thị trường phát triển như Việt Nam thậm chí còn có thể được hưởng lợi từ cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ. Ngoài ra, để trả lời câu hỏi này, cũng phải xét trên bình diện của quy mô, nguồn gốc và mục đích của các cổ đông góp vốn lập quỹ đầu tư vào Việt Nam. Như chúng ta biết, các quỹ đầu tư muốn huy động vốn để đầu tư vào các thị trường mới nổi như Việt Nam, họ phải có phương án, chiến lược và chứng minh rằng tính khả thi của thương vụ này. Trong đề án đưa ra, việc thời hạn đóng quỹ là rất quan trọng (thường sẽ kéo dài trong 5 năm đến 10 năm).
Việc xác định thời hạn đầu tư thường chỉ thay đổi nền kinh tế Việt Nam có biến động mạnh và họ không còn tin vào khả năng sinh lời của đồng vốn, thì lúc đó sự thay đổi đột ngột mới xẩy ra. Nhưng một minh chứng gần đây cho thấy, trước những biến chuyển của kinh tế vĩ mô của Việt Nam, một quỹ đầu tư lớn ở Việt Nam đã nâng thời hạn hoạt động từ 5 năm lên 10 năm. Điều này cho thấy trong dài hạn, họ vẫn tin vào sự phát triển của Việt Nam và quan trọng hơn là họ tin vào tính khả thi của việc thu lợi từ các khoản đầu tư tại Việt Nam. Templeton Asset Management, một quỹ đầu tư khác, mới đây cũng đã tham gia sâu hơn vào thị trường tài chính ở Việt Nam để tìm kiếm cơ hội trong bối cảnh các thị trường chứng khoán thế giới trong xu hướng đi xuống.
Hơn nữa, dòng vốn gián tiếp vào Việt Nam không chỉ đầu tư vào trái phiếu, cổ phiếu để mua đi bán lại kiếm lời, mà nó còn được sử dụng vào hoạt động mua bán, sáp nhập doanh nghiệp, trở thành đối tác chiến lược, tham gia hội đồng quản trị của công ty cổ phần để điều hành với mong muốn thu về lợi nhuận cao nhất có thể. Nên, việc rút vốn không chỉ nói muốn là được. Trong trường hợp các quỹ đầu tư đang đầu tư ở Việt Nam mà công ty mẹ bị phá sản, hay phải rút vốn để tái cơ cấu danh mục đầu tư, thì đương nhiên sẽ ảnh hưởng tới quyết định có rút vốn khỏi Việt Nam hay không, nhưng cái giá phải trả cho việc đột ngột rút vốn này là không nhỏ.

Tác động từ tâm lý
Nhiều người từng nói, thị trường chứng khoán Việt Nam nhiều khi bị chi phối bởi tâm lý. Và có lẽ trong những ngày qua, khi thị trường tài chính thế giới gặp sóng gió, tâm lý lo lắng cũng một phần chuyển qua không ít nhà đầu tư Việt Nam. Nhưng, tâm lý lo ngại của không ít nhà đầu tư Việt Nam về thị trường chứng khoán Mỹ có biến thành quyết định bán cổ phiếu trên sàn chứng khoán Việt Nam trong hai ngày qua hay không, thì đó là câu hỏi vẫn chưa có lời giải đáp thấu đáo.
Theo quan điểm người viết, việc khủng hoảng tài chính tại Mỹ lan rộng sẽ khiến các nhà đầu tư Việt Nam thận trọng hơn khi tiếp cận thị trường, nhất là những nhà đầu tư mới. Còn đối với các nhà đầu tư "kỳ cựu", nếu VN-Index tiếp tục tụt dốc mạnh qua ngưỡng 400 điểm, thì niềm tin của họ mới có thể bị lung lay mạnh.
Nhưng ngược lại, nếu kinh tế vĩ mô Việt Nam có tin tức thực sự tốt về chính sách tiền tệ, hay chỉ số giá tiêu dùng giảm mạnh… thì bất chấp thị trường thế giới trong cơn bĩ cực, có thể sự hưng phấn sẽ trở lại thị trường trong nước, dù ngó sang trời “Tây” vẫn thấy mây đen.

Ngân Hàng
Tính thanh khoản cao
Thống đốc Nguyễn Văn Giàu nói: Các diễn biến trên thị trường tài chính Mỹ diễn ra từ ngày 15/9. Tuy nhiên, tôi xin khẳng định là việc Hạ viện Mỹ chính thức bác bỏ kế hoạch giải cứu tài chính Mỹ trị giá 700 tỷ USD không ảnh hưởng đến Việt Nam, nhất là số tiền dự trữ ngoại hối của Việt Nam. Dự trữ ngoại hối của Việt Nam gửi chủ yếu tập trung vào các ngân hàng TƯ của các quốc gia như Mỹ, Đức, Pháp, Anh… các tổ chức tài chính quốc tế, chiếm 82%.
18% còn lại gửi vào các ngân hàng đầu tư thương mại quốc tế có uy tín, được xếp hạng mức độ tín nhiệm cao vì thế chúng ta hoàn toàn yên tâm. Các ngân hàng vừa rồi bị phá sản ở Mỹ, Việt Nam hoàn toàn không có quan hệ.
Về dự trữ ngoại hối của Việt Nam, ngày 19/6/2008, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã công bố lần đầu tiên dự trữ ngoại hối ròng của Việt Nam là 20,7 tỷ USD. Từ đó đến nay, dự trữ ngoại hối Việt Nam tiếp tục tăng 1,2 tỷ USD. Mức tăng này cho thấy sự phát triển ổn định, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư và đặc biệt là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Ngày 1/10, các chuyên gia sẽ báo cáo Thường trực Chính phủ về những tác động của thị trường tài chính Mỹ đối với Việt Nam trong thời gian tới. Tuy nhiên, tôi xin khẳng định, tính đến chiều nay, ngay trước khi tôi vào họp báo, tất cả báo cáo của các ngân hàng thương mại, các chi nhánh ở nước ngoài đều cho thấy không bị ảnh hưởng, hoặc không liên quan đến những sụp đổ trên thị trường Mỹ. Nói cách khác, chúng ta không bị mất tài sản bởi khủng hoảng trên thị trường tài chính Mỹ. Trước những khủng hoảng tài chính tại Mỹ, Ngân hàng Nhà nước theo dõi chặt chẽ diễn biến trên thị trường tài chính tiền tệ thế giới, giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh của các ngân hàng thương mại, tiếp tục can thiệp trên thị trường ngoại hối để đảm bảo an toàn thanh khoản cho hệ thống ngân hàng và cho nền kinh tế.

Vấn đề thanh khoản của các ngân hàng Việt Nam hiện nay ra sao?
Khi thị trường tài chính Mỹ diễn biến phức tạp, các ngân hàng Việt Nam đã rất chủ động đối phó với tình hình. Tính đến ngày 30/9, thanh khoản của các ngân hàng thừa 40.000 tỷ đồng (bình thường là 30.000-35.000 tỷ đồng). Nói chung ngân hàng Việt Nam vẫn bảo đảm tính thanh khoản cao. Lãi suất ngân hàng thấp (trung bình 12%). Nhìn chung các ngân hàng Việt Nam đã chủ động khá tốt trong tình hình hiện nay.
Việt Nam có thị trường tiền tệ lành mạnh
Tỷ lệ cho vay đầu tư vào bất động sản khá lớn. Trước tình hình thị trường mua bán bất động sản đang giảm sút như hiện nay, liệu có ảnh hưởng lớn đến nguồn đầu tư này không?
Hiện nay dư nợ cho vay bất động sản là trên 115.000 tỷ đồng (chiếm 9,15% tổng dư nợ của ngân hàng). Việc quan hệ giữa ngân hàng và khách hàng đối với bất động sản là quan hệ bình thường, Chính phủ không cấm đoán. Chính phủ chỉ kiểm soát việc cho vay ngân hàng trong lĩnh vực bất động sản nếu việc cho vay khiến thị trường này phát triển không bình thường.

Từ nay đến cuối năm, các ngân hàng sẽ gia tăng tín dụng. Điều này có đi ngược lại mục tiêu kiềm chế lạm phát hiện nay?

Kết luận của Bộ Chính trị và nhóm giải pháp của Chính phủ đều chỉ rõ, điều hành chính sách tiền tệ thắt chặt nhưng linh hoạt, bảo đảm tính thanh khoản của nền kinh tế. Vì vậy trong công tác điều hành ngân hàng, chúng tôi sẽ phải bảo đảm định hướng này. 9 tháng đầu năm, tăng trưởng huy động vốn đạt 11,01%, trong đó tiền gửi dân cư tăng cao (VNĐ là 28,5%; ngoại tệ là 31,8%). Nhưng tiền gửi quốc tế giảm 12,2%. Cần thấy là lạm phát tăng cao như vậy, nhưng các tổ chức quốc tế vẫn đưa ra gửi là tín hiệu cho thấy thị trường tiền tệ Việt Nam lành mạnh.
II. Đối với nền kinh tế
1. Những tác động chung đến nền kinh tế
Đối với nền kinh tế, có ba khả năng có thể xảy ra:
Thứ nhất, thâm hụt thương mại gia tăng. Trong thời gian tới, kinh tế Mỹ nói riêng, kinh tế toàn cầu nói chung sẽ rơi vào tình trạng suy thoái, tốc độ tăng trưởng giảm sút. Điều này sẽ dẫn đến hệ luỵ là cầu đối với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ giảm, trong khi cung đối với các mặt hàng nhập khẩu sẽ tăng do các nhà sản xuất bị giảm thị trường ở các nước phát triển sẽ tìm cách mở rộng các thị trường khác. Như vậy, khả năng xuất khẩu bị giảm mạnh là rất cao trong khi nhập khẩu nếu có giảm cũng sẽ giảm ít hơn so với xuất khẩu. Điều này sẽ làm cho thâm hụt ngoại thương của Việt nam sẽ gia tăng, nhất là trong điều kiện nền kinh tế Việt Nam đã rất mở với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đã vượt quá 160% GDP. Cũng có thể một số mặt hàng của Việt Nam thuộc loại hàng khiếm dụng có nghĩa là khi thu nhập giảm xuống thì cầu sẽ gia tăng. Tuy nhiên, có lẽ loại này không nhiều lắm.
Thứ hai, sụt giảm đầu tư do sự giảm sút của dòng vốn từ bên ngoài chảy vào. Nhìn vào số liệu qua khứ sẽ thấy dòng vốn từ bên ngoài gồm: vốn đầu tư trực tiếp, vốn đầu tư gián tiếp, vay nợ và kiều hối chiếm một tỷ trọng đáng kể trong tổng vốn đầu tư của Việt Nam. Với tình hình hiện tại, do chi phí vốn trở nên đắt đỏ hơn và thị trường xuất khẩu có khả năng bị thu hẹp nên dòng vốn đầu tư chảy vào Việt Nam có khả năng sẽ giảm sút. Thêm vào đó, hầu hết các dự án đầu tư nói chung, dự án FDI nói riêng, phần nợ vay thường chiếm một tỷ phần rất lớn trong tổng vốn đầu tư nên khi mà các tổ chức tài chính đang gặp khó khăn sẽ làm cho nhiều hợp đồng vay vốn sẽ không được ký kết hoặc không thể giải ngân. Mặt khác, do phần còn lại của thế giới gặp khó khăn, thu nhập của người lao động sẽ giảm sút, cuộc sống khó khăn hơn nên lượng kiều hối chuyển về có khả năng sẽ giảm và hoạt động xuất khẩu bị giảm sút.
Thứ ba, tiêu dùng giảm sút. Khi sản xuất bị thu hẹp, một số người có khả năng mất việc làm, hay chí ít là thu nhập bị giảm sút cộng với dòng kiều hối chảy vào sụt giảm sẽ kéo theo sụt giảm trong tiêu dùng của các hộ gia đình. Như vậy với khả năng giảm chi tiêu, đầu tư và xuất khẩu trong khi nhập khẩu tăng hoặc giảm chậm hơn sẽ tác động làm cho GDP sụt giảm và đương nhiên nhiều người có khả năng sẽ mất việc làm, hay chí ít thu nhập cũng rơi vào tình trạng bấp bênh. Chúng ta xuất khẩu đến 60% GDP vì vậy chắc chắn sẽ ảnh hưởng
2. Phân tích tình hình kinh tế Việt Nam trong cuộc khủng hoảng Thế Giới
a) Đối với xuất khẩu
Nhiều đơn hàng của Việt Nam bị cắt
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề ra mục tiêu năm 2008, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt xấp xỉ 14 tỷ USD, tăng 9% so với năm 2007, trong đó mặt hàng thủy sản là 4,52 tỷ USD (tăng 19,2%). Theo số liệu hải quan, trong 9 tháng đầu năm nay, xuất khẩu thủy sản của cả nước là trên 930 ngàn tấn, trị giá 3,35 tỷ USD. Tính theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì còn 1,17 tỷ USD, còn theo Bộ Công Thương thì còn 850 triệu USD, chỉ còn 2 tháng là hết năm, liệu kế hoạch xuất khẩu thuỷ sản năm 2008 có hoàn thành?
Thủy Sản
Mỹ là thị trường nhập khẩu thủy sản rất lớn, kim ngạch nhập khẩu thủy sản của nước này lên đến 12 tỷ USD/năm. Hàng năm thị trường Mỹ chiếm 15% tổng kim ngạch nhập khẩu thủy sản của thế giới, do vậy ngành thủy sản Việt Nam đặt mục tiêu đạt 850 triệu USD giá trị xuất khẩu sang Mỹ năm 2008, chiếm khoảng 7% tổng kim ngạch nhập khẩu thủy sản của Mỹ.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, khủng hoảng của nền tài chính Mỹ đã ảnh hưởng rất lớn đến giá trị xuất khẩu thủy sản của thế giới, trong đó có Việt Nam. Ông Nguyễn Văn Kình, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản Cafatex Hậu Giang cho biết, trong năm 2008, vào những tháng vừa qua, cuộc khủng hoảng tài chính của Mỹ đã lan rộng ra toàn cầu, làm ảnh hưởng đến sức mua của người tiêu dùng và sức nhập khẩu của các nhà nhập khẩu Mỹ đối với nhiều mặt hàng, trong đó có mặt hàng thủy sản.
Ông Kình cho biết, thủy sản Việt Nam xuất sang thị trường Mỹ mỗi năm đạt kim ngạch trên 500 triệu USD. Năm 2008, chúng ta mong muốn đẩy con số này lên cao hơn, tuy nhiên, do tình hình khủng hoảng ở Mỹ diễn biến phức tạp nên sức mua của người dân Mỹ đang giảm, và tiền vốn của nhà nhập khẩu cạn dần.Khó khăn này đã khiến giá xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đang bị hạ và sản lượng cũng sụt giảm đáng kể, không chỉ trong những tháng cuối năm 2008 mà cả năm 2009.
Còn theo nhận định của ông Lê Văn Quang, Phó chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Tổng giám đốc Công ty hải sản Minh Phú, Cà Mau, những khó khăn mà các nhà nhập khẩu thủy sản Mỹ đang gặp phải hiện nay là do các ngân hàng Mỹ đang thắt chặt tín dụng, ngân hàng không cho nhà nhập khẩu Mỹ vay tiền nên khả năng thanh toán của họ rất yếu, họ phải chờ bán được hàng mới có tiền trả cho các nhà xuất khẩu trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Chính vì vậy mà sức mua trên thị trường thế giới đang giảm sút rất đáng kể.
Ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ đã lan rộng sang các nước EU, khách hàng của Công ty Minh Phú từ châu Âu đã điện thoại cho hay, do sự rút tiền hàng loạt của các nhà đầu tư Mỹ khiến cho đồng Bảng Anh bị mất giá, và nhà nhập khẩu đã bị lỗ rất nặng, họ đang cần sự trợ giúp của các nhà xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Trước tình hình trên, sức mua hàng thủy hải, sản của thế giới đang sụt giảm rất lớn. Do vậy, có những đơn hàng nhà nhập khẩu châu Âu đã ký kết xong rồi nhưng họ đã cắt không tiếp tục mua nữa, gây khó khăn cho những chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam.
Khó từ “trong ra ngoài”
Từ sau khi Chính phủ Việt Nam có chủ trương thắt chặt tín dụng, những doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản gặp rất nhiều khó khăn.
Một là tiền vốn để thu mua chế biến bị giảm xuống đột ngột. Hai là lãi suất phải trả cho ngân hàng quá cao, hiệu quả kinh doanh không còn cao như trước, từ đó làm cho “sức khỏe” của những doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam nói chung và của doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản nói riêng đã yếu hơn nhiều so với những năm trước đây.
Trong khi nội tại đang gặp khó khăn, thì ngành xuất khẩu Việt Nam lại bị thêm tác động bên ngoài từ những nước nhập khẩu, không chỉ có thị trường Mỹ, mà cả Nhật Bản, EU... và các nước nhập khẩu khác đang nhập khẩu thủy sản của Việt Nam cũng đang gặp khó khăn về vốn, do họ đang bị thắt chặt tín dụng cùng những biến động không lường trước.
Hàng thủy sản của Việt Nam chủ yếu là xuất khẩu, trong khi những khó khăn bên trong chưa giải quyết được, nay lại thêm khó khăn từ bên ngoài. Khi những khó khăn “trong và ngoài” gặp nhau, thì từ nay đến cuối năm những doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ khá bế tắc. Vẫn theo ông Quang, nguy cơ khách hàng hủy bỏ hợp đồng với doanh nghiệp xuất khẩu là rất lớn, trong khi đó tình trạng kẹt cảng, kẹt container lại đang xảy ra rất nghiêm trọng đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ giao hàng của doanh nghiệp, Công ty Minh Phú xuất khẩu 10 container/ngày, nhưng do không có container, không có cảng nên chỉ xuất được 5-7 container/ngày, nên có một số hợp đồng đã ký đến hạn giao hàng mà không giao hàng được, vừa qua có những hợp đồng giao hàng trễ 1-2 ngày đã bị khách hàng hủy hợp đồng.
Hiện nay, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vào thị trường Mỹ, châu Âu đang giảm sút mạnh. Bên cạnh đó thị trường Australia đang bị Chính phủ nước này cho kiểm tra 2 con virus đốm trắng và đầu vàng trên tôm cho nên hàng thủy sản Việt Nam không thể đi vào Úc, lợi dụng tình hình này Nhật Bản đang ép giá tôm của Việt Nam. Cách đây khoảng 10 ngày giá tôm loại 16-20 có giá 10-10,2 USD/kg, đến hôm nay chào bán chỉ còn 9,6 USD/kg.
Mặc dù xuất khẩu thủy sản nói riêng và ngành xuất khẩu cả nước nói chung đang gặp nhiều khó khăn, nhưng theo các doanh nghiệp xuất khẩu thì họ vẫn rất cần bình tĩnh xem xét, tìm cách giải quyết những ách tắc, để khai thông cho ngành xuất khẩu thủy sản trong nước.
Cao su
Tập đoàn Công nghiệp caosu Việt Nam (TĐ.CSVN) hiện đang đối diện nguy cơ nhiều hợp đồng xuất khẩu caosu dài hạn khắp thế giới (chiếm khoảng 60% sản lượng) sẽ bị vỡ.Nguyên nhân bởi cơn khủng hoảng tài chính thế giới đã khiến ngành công nghiệp liên quan đến chế biến caosu liêu xiêu. Giá cao su đang "tụt dốc không phanh". Caosu là nông sản chịu ảnh hưởng sớm nhất, mạnh nhất...
Trưởng ban Xuất nhập khẩu - TĐCSVN cho biết, giá caosu thế giới hiện đang "tụt dốc" và chưa thấy có dấu hiệu dừng lại trong thời gian tới. Giá caosu bắt đầu giảm từ tháng 8 nhưng tốc độ tụt nhanh theo chiều thẳng đứng từ đầu tháng 10 tới thời điểm này, chỉ trong vòng hơn 10 ngày, giá đã "trôi" khoảng 15 triệu đồng/tấn. Nếu như mới tháng 7.2008, mủ caosu đang đứng ở đỉnh cao nhất về giá (khoảng 58 triệu đồng/tấn) thì đến nay (tính đến hôm qua 13.10.2008), chỉ còn khoảng 30 triệu đồng/tấn. Mất hơn 28 triệu đồng/tấn trong "chớp mắt" đã khiến nhiều DN xuất khẩu chới với.

Giá cao su đột ngột giảm mạnh trong mấy tháng qua.

Nguyên nhân, theo Hiệp hội Caosu Việt Nam, giá dầu thô thế giới giảm gần 50% (tính đến hôm qua còn 77 USD/thùng) khiến xu hướng sử dụng caosu tổng hợp từ dầu (chiếm khoảng 50%) trở lại, đã làm giảm một phần nhu cầu caosu thiên nhiên. Quan trọng hơn, cuộc khủng hoảng tài chính đã làm chậm tốc độ phát triển kinh tế, lượng mua sắm ôtô và săm lốp ở các nước phát triển chững lại. Tuy nằm ngoài "tâm" khủng hoảng tài chính ở Mỹ và Châu Âu, nhưng Trung Quốc, Nhật... lại nhập caosu chủ yếu để sản xuất lốp xe bán vào Mỹ, Châu Âu, vì vậy chịu ảnh hưởng không nhỏ. Trong khi đó, khoảng 60% thị trường caosu Việt Nam là Trung Quốc, hơn 15% là Nhật Bản... Thế nên cơn khủng hoảng tài chính ở Mỹ đã tạo ra hiệu ứng "domino" đến tận từng vườn caosu tiểu điền ở Việt Nam.
Một nông dân trồng cao su ở xã Long Xuyên huyện Phước Long - Bình Phước cho biết, mới tháng 9, giá mủ caosu đông bán tại vườn đang 15.000đồng/kg thì nay tụt mất hơn 1/2, chỉ còn khoảng 6.000-7.000 đồng/kg. Tuy vẫn dễ bán nhưng với giá đó, nông dân đã không còn lời.
Trưởng ban XNK TĐCSVN khẳng định, giá mủ đã tinh chế 30 triệu đồng/tấn, cũng bằng với giá thành, DN chế biến xuất khẩu cũng không có lời. Được biết sản lượng mủ caosu của TĐCSVN hơn 300.000 tấn thì lượng đã ký theo hợp đồng dài hạn chiếm khoảng 60%. Khi nhà máy làm săm lốp xe của Trung Quốc, Nhật v.v... khó khăn tiêu thụ sản phẩm, có thể họ sẽ giảm, hoặc kéo dài, hay phá vỡ hợp đồng cung cấp nguyên liệu với các đối tác để giảm thiểu thiệt hại. Vì vậy hiện TĐCSVN đang cố gắng tìm mọi cách để thuyết phục khách hàng đã ký hợp đồng dài hạn đảm bảo chữ...tín. Tuy nhiên cũng lo, bởi nếu đứng trước nguy cơ phá sản, DN sẽ không dễ gì giữ chữ "tín".
Theo các chuyên gia, hiện vẫn chưa thấy dấu hiệu nào cho thấy cuộc rớt giá caosu theo chiều thẳng đứng sẽ dừng lại. Thậm chí có người còn lo ngại, giá có thể xuống "tận đáy" khoảng hơn 10 triệu đồng/tấn của năm 2000. Đáng lo ngại, thời gian qua, vì được giá, ngoài diện tích caosu đã quy hoạch trong cơ cấu cây trồng của các tỉnh thì phong trào trồng caosu (đặc biệt là caosu tiểu điền) theo kiểu bất chấp các điều kiện cần và đủ đã tăng vọt đến chóng mặt. Đơn cử tại huyện Tân Uyên, khoảng 2 năm trở lại đây người dân đã ồ ạt đem cây caosu xuống trồng trên... ruộng lúa, chấp nhận rủi may chứ không theo kỹ thuật. Bởi vậy diện tích quy hoạch trồng cây caosu tỉnh Bình Dương dự tính đến năm 2010 khoảng 105.000ha.
Tuy nhiên, đến nay diện tích đã cho thu hoạch và trồng mới trên 122.000ha. Khi các "đại gia" chế biến xuất khẩu trong và ngoài nước hãm lại việc mua caosu, sẽ khó lường được hết khó khăn sẽ xảy ra, đặc biệt đối với diện tích caosu tiểu điền.
Gạo
Tại ĐBSCL, hàng trăm ngàn tấn lúa vụ hè thu còn tồn đọng, vụ thu đông vào mùa thu hoạch. Lúa chồng lên lúa, không bán được khiến nông dân lâm vào cảnh khốn khó.


Hành trình hạt lúa ĐBSCL có thể chia ra mấy khâu: nông dân sản xuất ra bán cho thương lái, thương lái mua gom về bán cho vựa lúa gạo, vựa lúa gạo bán cho nhà máy xay xát, đánh bóng gạo bán cho doanh nghiệp xuất khẩu. Hiên tại nguồn cung rất dồi dào, khâu cuối cùng lưu thông (xuất khẩu) bị tắc làm cho thị trường lúa gạo bị dồn ứ, "đóng băng".



Nông dân thiệt kép, doanh nghiệp lo âu

Theo ông Phạm Văn Dư, Cục phó Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), riêng vụ hè thu vừa rồi, ĐBSCL và các tỉnh miền Đông Nam Bộ đã đạt 8,4 triệu tấn lúa, vụ thu đông đã thu hoạch được 152.000 ha, năng suất 4,2 - 4,5 tấn/ha. Vẫn theo ông Dư, nhiều tỉnh ở ĐBSCL đang tồn đọng hàng trăm ngàn tấn lúa. Nông dân thiệt đơn, thiệt kép. Lúa hè thu còn chất đóng vì không bán được, vụ thu đông lại vào mùa thu hoạch. Nhà ở thành kho chứa lúa. Nông dân "dở khóc, dở cười". Ngồi trên đống lúa mà "đói" tiền. Giá lúa rớt thê thảm.
Lúa hè thu hiện chỉ còn khoảng trên dưới 4.000 đồng/kg, giảm 500 đồng/kg so đầu tháng. Tương tự, gạo nguyên liệu 5% tấm còn 5.500-5.550 đồng/kg, giảm 500 đồng, mức giá thấp nhất từ đầu năm đến nay. Khó khăn nhất của nhà nông hiện nay là lúa hè thu không bán được, lúa thu đông đang thu hoạch giá rẻ bất ngờ, chỉ còn 2.500 - 3.000 đồng/kg.
Thậm chí ở huyện Long Mỹ (Hậu Giang) thương lái trả giá còn 2.200 đồng/kg, trong khi đó giá công cắt lúa đã là 224.000 đồng/công, cao gấp 3 lần so với năm ngoái. Trong số hàng trăm ngàn tấn lúa gạo ứ đọng, chưa tiêu thụ được, có khoảng 30% thuộc giống lúa IR 50404. Loại giống lúa này năng suất cao, có tính kháng rầy nhưng hạt ngắn, gạo bạc bụng chỉ làm nguyên liệu chế biến gạo xuất khẩu phẩm cấp thấp (25% tấm).
Đầu năm nay trong tình cảnh thế giới khủng hoảng lương thực, nghe theo lời "phán" của cán bộ ngành chức năng, lúa gạo nào cũng xuất khẩu được, nhiều tỉnh như An Giang hăng hái gieo sạ tới 50% diện tích giống lúa IR 50404, thậm chí có tỉnh mở rộng tới 70% diện tích. Bây giờ "dính đòn".
Trên thị trường thế giới các đối tác yêu cầu loại gạo có phẩm cấp cao (5% tấm) hoặc trung bình (15% tấm). Lúa gạo giống IR 50404 ế ẩm. Nông dân thua thiệt đủ điều.
Theo Bộ Công Thương, 9 tháng đầu năm nay cả nước đã xuất khẩu được 3,69 triệu tấn gạo, với kim ngạch 2,24 tỷ USD, tăng tới 89% về giá trị nhưng giảm 8,3% về sản lượng so với cùng kỳ năm ngoái. Bộ này đánh giá, do đơn giá xuất khẩu bình quân tăng nên xuất khẩu gạo đã vượt mục tiêu đề ra và đóng góp hơn 1,2 tỷ USD cho mức tăng kim ngạch xuất khẩu của cả nước so với cùng kỳ năm ngoái là 13,6 tỷ USD.
Bộ Công Thương dự kiến, 3 tháng còn lại của năm 2008, Việt Nam có thể xuất khẩu thêm 415 triệu USD để đạt kim ngạch 2,85 tỷ USD, tăng 91% so với năm ngoái, trong khi lượng gạo xuất khẩu tương đương nhau (4,5 triệu tấn).
Thế nhưng, tại buổi làm việc với Hiệp hội lương thực Việt Nam, Sở Công Thương các tỉnh, thành phía Nam và một số bộ, ngành liên quan hôm 15/10 tại Tp.HCM để tìm đầu ra cho hạt gạo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên đã thừa nhận xuất khẩu gạo đang gặp khó do nguồn cung từ các nước xuất khẩu gạo đang tăng, dẫn tới giá gạo thế giới đang giảm mạnh.
Cụ thể, gạo 5% tấm giá hiện chỉ còn ở mức 480 USD/tấn; gạo 15% tấm còn khoảng 400 USD/tấn và gạo 25% tấm là 380 USD/tấn. Như vậy, so với tháng trước, giá gạo trên thị trường thế giới đã giảm 20 - 30 USD/tấn. Còn, nếu so với giá gạo thời "hoàng kim" tháng 3,4/2008 thì giá gạo thế giới hiện nay đã bị giảm tới 60%. Nguồn cung dư thừa, thị trường thế giới giảm sút, hậu quả của nghịch lý này-theo phản ánh của một số doanh nghiệp kinh doanh lương thực, việc ký kết hợp đồng xuất khẩu gạo đang gần như tê liệt.
Ông Lê Việt Hải, Giám đốc Công ty lương thực Mêkông (Cần Thơ) cho biết: "Cả tháng qua phần lớn các doanh nghiệp không ký được hợp đồng nào. Những doanh nghiệp lớn có nhiều bạn hàng có ký được một số hợp đồng nhưng số lượng ít, không đáng kể".

Lối thoát nào cho hạt gạo?
Để đạt mục tiêu mua hết lúa hàng hoá cho nông dân, đẩy mạnh xuất khẩu, khuyến khích trồng và xuất khẩu các chủng loại gạo cao cấp, ngày 16/10 Bộ Công Thương đã chính thức đề nghị Bộ Tài chính điều chỉnh, áp dụng thuế suất 0% đối với gạo xuất khẩu. Bên hành lang Quốc hội, ngày 21/10 trả lời báo giới về vấn đề mua lúa gạo cho nông dân, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết:
"Chính phủ cũng như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang hết sức nỗ lực để tháo gỡ những khó khăn cho bà con nông dân. Trước mắt, chúng tôi đã chỉ đạo Tổng công ty ty lương thực miền Bắc và miền Nam với cố gắng cao nhất tiếp tục mua lúa gạo để tạo ra sức mua, duy trì giá, đảm bảo có lời cho bà con nông dân. Mặt khác đàm phán ký kết các hợp đồng để xuất khẩu. Chúng tôi cũng hợp tác với các địa phương để chỉ đạo và hướng dẫn cho bà con nông dân điều chỉnh lại cơ cấu giống để chuẩn bị cho vụ đông xuân tới, trồng các giống lúa có giá trị và khả năng tiêu thụ tốt trên thị trường".
Theo tin chúng tôi mới nhận được thì UBND tỉnh Long An cũng đã gửi văn bản đề nghị Chính phủ cho tăng chỉ tiêu mua gạo dự trữ quốc gia với giá cả phù hợp để giảm lượng lúa gạo hàng hoá đang tồn đọng rất lớn trong dân; kèm theo một số biện pháp cấp bách, như: đề nghị Chính phủ có chủ trương cho miễn thu lãi trong thời gian nông dân được giãn nợ vay. Chính phủ chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương cho cân đối lại lượng lương thực hàng hoá cả nước, trên cơ sở đó cho tăng chỉ tiêu xuất khẩu gạo từ nay đến cuối năm 2008. Những đề nghị của tỉnh Long An gửi lên Chính phủ cũng là đề nghị chung của các tỉnh ĐBSCL. Lãnh đạo nhiều tỉnh cho rằng, trong tình hình thị trường lúa gạo hiện nay, việc tăng mua lúa dự trữ quốc gia và bỏ thuế xuất khẩu dường như là cách làm tốt nhất cho lúa gạo ĐBSCL!
(Theo VnEconomy)

Giầy dép
Số liệu Hải Quan Pháp cho thấy lượng nhập khẩu mặt hàng giầy dép vào Pháp tăng đều qua các năm trong giai đoạn 1999 – 2007 và đạt mức kim ngạch nhập khẩu cao nhất (6,4 tỷ euros) vào năm 2007. Tuy nhiên, bảng 1 cho thấy lượng nhập khẩu có xu hướng chững lại trong năm 2008. Đối với mặt hàng giầy dép của Việt Nam, ngoài bất lợi do xu hướng chung, lại gặp bất lợi do EU áp thuế chống bán phá giá và không cho hưởng GSP từ năm 2009. Giá cả, vốn là lợi thế cạnh tranh của giầy dép Việt Nam, sẽ ngày càng tăng, tạo sức ép lớn lên lượng hàng bán ra thị trường. Như vậy, giầy dép Việt Nam sẽ phải cạnh tranh cả về mặt chất lượng lẫn giá cả với các nhà sản xuất giầy Châu Âu, Trung Quốc...
Như đã đề cập ở trên, với viễn cảnh kinh tế ảm đạm như hiện nay, tính bảo hộ của Liên minh Châu Âu nói chung và Pháp nói riêng đối với các nhà sản xuất nội địa sẽ ngày càng cao. Các biện pháp bảo hộ sẽ phong phú và tinh vi hơn, không chỉ có các hàng rào thuế quan mà còn cả rào cản kỹ thuật. Điều này thể hiện rõ nhất là vừa qua, giầy dép Trung Quốc bị Pháp phát hiện có độc tố. Bởi vậy, việc kiểm soát chất lượng một cách ngặt nghèo để bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng mặt hàng này trong thời gian tới không chỉ đối với giầy dép Trung Quốc mà còn phải lưu ý là có thể xẩy ra cả đối với giầy dép của Việt Nam.
Với những điểm bất lợi như trên, ước tính kim ngạch xuất khẩu giầy dép của Việt Nam vào thị trường Pháp năm 2008 đạt khoảng 370-395 triệu Euros, giảm 7 – 8 % so với năm 2007



Cá Basa
Theo các doanh nghiệp chế biến, giá cá sụt mạnh trong những ngày qua là do khủng hoảng tài chính thế giới, đặc biệt là khủng hoảng tài chính Mỹ khiến cho các nhà nhập khẩu không có khả năng thanh toán. Ngoài ra, việc thắt chặt tín dụng của các nước đã khiến cho các nhà nhập khẩu không có tiền trả cho doanh nghiệp ngay khi nhận hàng như trước đây, họ đang yêu cầu doanh nghiệp Việt Nam cho trả chậm sau khi bán được hàng. Điều này dẫn đến việc xuất khẩu cá tra, basa bị đình trệ.
Theo Sở Công Thương An Giang, so với tuần trước giá cá tra nguyên liệu thịt trắng giảm 800 đồng/kg, hiện đang ở mức 15.800-16.000 đồng/kg; cá thịt hồng, thịt vàng 14.800-15.300 đồng/kg, giảm 900-1.000 đồng/kg. Riêng cá thịt trắng size lớn từ 1kg trở lên có giá 15.300 đồng/kg.
Tại thành phố Cần Thơ, giá cá tra nguyên liệu loại 1 tại Hợp tác xã Thới An, quận Ô Môn có giá khoảng 16.000 đồng/kg, cá size lớn có giá từ 15.000-15.300 đồng/kg.Sản phẩm cá tra của Việt Nam đang có mặt khoảng 80 nước và vùng lãnh thổ, nhưng thực tế chỉ có 3 thị trường chính là: Mỹ, EU và Đông Âu, chiếm đến 80% thị phần. Nếu ba thị trường chính này mất thì xem như xuất khẩu cá tra bị ngưng trệ.
ĐBSCL có khoảng 120 doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu, với công suất tương đương 3.200 tấn/ngày, trong đó có 74 doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn xuất hàng sang thị trường EU. Năm 2007, xuất khẩu cá tra đạt 1 tỷ USD, với gần 400 ngàn tấn phi lê (tương đương 1 triệu tấn cá nguyên liệu), tăng 43,4% so với năm 2006.
Trong thời gian gần đây khủng hoảng tài chính thế giới đang ảnh hưởng trực tiếp lên tiến độ xuất khẩu của các doanh nghiệp. Trước đây doanh nghiệp trong nước vay tiền ngân hàng để sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh xuất khẩu, nay do chống lạm phát không ngân hàng nào dám cấp tín dụng. Vì vậy doanh nghiệp thiếu tiền để mua các của dân, doanh nghiệp nào không vay tiền ngân hàng thì với khả năng vốn của mình vẫn có thể tiếp tục “cầm cự”.
Theo ông Lương Hoàng Mãnh - Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản Mekong, Cần Thơ, khủng hoảng tài chính thế giới đang ảnh hưởng trực tiếp đến xuất khẩu cá tra, basa trong nước, thực chất có thể dùng từ “hầu như các thị trường “đóng cửa” đồng loạt”, và sắp tới ảnh hưởng này sẽ còn nặng hơn.
Nga và Ukraine là hai thị trường chiếm vị trí thứ 2 và 3 trong các nước nhập khẩu cá tra, basa của Việt Nam, chỉ đứng sau EU. Nếu xét về thị trường đơn lẻ nhập khẩu cá tra, basa của Việt Nam thì Nga dẫn đầu với 155,6 triệu USD, tăng 188% so với cùng kỳ, Ukraine đứng hàng thứ 2 với 104,7 triệu USD, tăng 255%, nhưng hiện hai thị trường này cũng đã ngưng nhập hàng.
Nguyên nhân là do các nhà nhập khẩu không có tiền thanh toán vì ngân hàng siết tín dụng. Không chỉ Nga, Ukraine, Ba Lan hay EU..., mà toàn thế giới hiện nay đều lâm vào tình cảnh trên. EU luôn dẫn đầu các thị trường nhập khẩu thủy sản Việt Nam nhưng hiện nay, các nhà nhập khẩu các nước EU không có tiền mua hàng do ngân hàng không chịu bảo lãnh nên họ đã ngưng đặt hàng. Bên cạnh đó, do đồng Euro mất giá so với USD, khiến nhà nhập khẩu EU phải mua hàng với giá đắt đỏ hơn.
Việc xuất khẩu sang thị trường Mỹ lại càng khó khăn hơn. Thông thường vào thời điểm này các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra, basa của Việt Nam nhận được rất nhiều đơn hàng cho lễ Noel từ EU, Mỹ và Đông Âu..., nhưng hiện nay các nhà nhập khẩu đã ngưng đặt hàng, có những hợp đồng đã ký thì hoãn xuất hoặc dừng hẳn.
Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 3 tháng cuối năm sẽ là khoảng thời gian chạy nước rút về xuất khẩu để cá tra vượt qua tôm đông lạnh, trở thành mặt hàng thủy sản có giá trị xuất khẩu cao nhất với tổng kim ngạch đạt trên 1,5 tỷ USD trong năm 2008.
Tuy nhiên, trước những khó khăn khách quan do sự khủng hoảng tài chính toàn cầu, xuất khẩu cá tra, basa khó có thể đạt mục tiêu trên.Ông Lương Hoàng Mãnh cho biết, trong đợt tăng giá vừa qua các doanh nghiệp chưa giải phóng hết lượng cá tồn kho. Nếu tình hình này kéo dài lượng hàng tồn kho tiếp tục nhiều hơn tạo thêm áp lực cho doanh nghiệp.
Từ nay đến cuối năm, hy vọng mở rộng tín dụng ngân hàng trong nước là rất khó, như vậy các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra, basa sẽ gặp khó khăn về tiền vốn lẫn thị trường. Không chỉ doanh nghiệp mà nông dân nuôi cá cũng gặp khó, vì nhiều bất cập xảy ra với con cá tra, giá thành vẫn cao do giá thức ăn, thuốc thú y trong nước bị đẩy lên cao, trong khi giá nguyên liệu nhập đã giảm rất nhiều so với trước đây.
Ông Nguyễn Ngọc Hải, Chủ nhiệm Hợp tác xã Nuôi cá tra xuất khẩu Thới An, quận Ô Môn, Cần Thơ, khuyến cáo người nuôi cá tra, basa ở ĐBSCL, khi đến kỳ thu hoạch nên bán cá ngay nếu đã đạt được sự thỏa thuận về giá với doanh nghiệp, không nên neo cá chờ tăng giá mà có nguy cơ lỗ nặng.
(Nguồn: TBKT, 22/10)
Khủng hoảng tài chính thế giới: Nỗi lo xuất khẩu năm 2009
Các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng đều nhận định, năm 2009 xuất khẩu sẽ rất khó khăn, cạnh tranh sẽ càng khốc liệt...Ngày 15/10, Bộ Công thương đã tổ chức giao ban xuất nhập khẩu 9 tháng đầu năm tại TP. HCM. Mặc dù kim ngạch xuất khẩu cả nước 9 tháng đầu năm đạt 48,56 tỷ USD, tăng 39% so với cùng kỳ năm 2007, các DN, hiệp hội ngành nghề vẫn lo lắng rằng để đạt mục tiêu xuất khẩu 65 tỷ USD năm 2008 là rất khó, và năm 2009 tình hình càng khó khăn hơn.
Không tăng hơn 2008!
Bản thân ông Nguyễn Thế Dũng, Vụ trưởng Vụ Xuất nhập khẩu của Bộ Công thương, cũng cho rằng, xuất khẩu vào Mỹ năm 2009 sẽ rất khó khăn, cạnh tranh sẽ càng khốc liệt. Theo ông Dũng, những tháng tới đây và năm 2009, giá hàng hóa sẽ giảm, trong khi giá nguyên liệu sản xuất không giảm. 9 tháng, ngành dệt may xuất khẩu 6,8 tỷ USD. Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may, Chủ tịch HĐQT Công ty may Sài Gòn 3, ông Phạm Xuân Hồng cho rằng, phải rất nỗ lực mới đạt được mục tiêu 9,5 tỷ USD năm 2008.
Hiệp hội Gỗ - Lâm sản Việt Nam cũng cho biết, 9 tháng ngành gỗ xuất khẩu hơn 2 tỷ USD, mục tiêu 3 tỷ USD năm 2008 có khả năng đạt được, nhưng dự kiến năm 2009 cũng chỉ đạt 3 tỷ USD.
Ngành thủy sản xuất khẩu 3,335 tỷ USD, tăng 23,7%. Dự báo chỉ tiêu cả năm 4,2 tỷ USD có thể đạt được, song mục tiêu 5,3 tỷ USD của năm 2009 là khó đạt. Hầu hết đều cho rằng phải rất nỗ lực mới đạt được mục tiêu xuất khẩu 2008. Từ nay đến cuối năm, xuất khẩu phải đạt 16,44 tỷ USD, bình quân 5,44 tỷ USD. Trong tình hình kinh tế thế giới ngày càng xấu đi và trong nước vẫn chưa hết khó khăn, con số này sẽ trở thành thách thức lớn cho xuất khẩu Việt Nam. “Đạt được như 2008 đã là tốt”, đại diện Hiệp hội Chế biến thủy sản nói. Còn ông Hồng cũng nhận định: “Kết quả không phấn khởi như 2008, năm 2009 sẽ càng khó khăn”.


Khó khăn bộn bề
Khủng hoảng tài chính xuất phát từ Hoa Kỳ dẫn đến toàn cầu là yếu tố các doanh nghiệp cho là nguyên nhân quan trọng đưa đến khó khăn cho xuất khẩu. Hiệp hội Chế biến thủy sản cho biết, Mỹ đang thắt chặt tín dụng nên nhà nhập khẩu phải bán xong mới trả tiền cho DN Việt Nam. Vì vậy DN Việt Nam không có vốn để tiếp tục sản xuất. Không chỉ Hoa Kỳ, các thị trường xuất khẩu khác như Nhật, EU, ASEAN, châu Phi… cũng đều bị thu hẹp. Ngoài việc giảm đơn hàng, giá bán hàng bán cũng bị giảm.
Điều này khó khăn cho DN xuất khẩu, vì giá thành sản phẩm không giảm do giá nguyên liệu đầu vào, giá xăng dầu, vận tải, chi phí cho nhân công… vẫn không giảm hơn trước. Chẳng hạn ngành chế biến gỗ, 80% nguyên liệu phải nhập từ Indonesia, Malaysia, Brazil… Trong khi đó, cước vận chuyển hàng hóa tăng đến 40%.
Theo đại diện Hiệp hội Gỗ - Lâm sản Việt Nam, hiện có nguy cơ 20% DN trong lĩnh vực này bị phá sản, 30% khó khăn, chỉ khoảng 50% trụ được. Hoặc như dệt may, ông Hồng cho biết người Mỹ cũng đã phải tiết kiệm, chỉ sử dụng hàng trung bình, không dùng hàng đắt tiền như trước.
Trong nước, những khó khăn nội tại cũng góp phần làm nên khó khăn cho xuất khẩu. Tình trạng thiếu nhân công, cúp điện, ách tắc cảng, thủ tục còn nhiêu khê… vẫn xảy ra thường xuyên. Xăng dầu thế giới đã giảm nhưng trong nước không giảm, giá vận chuyển vẫn còn cao, là những ngáng trở lớn. Và khó khăn tín dụng, lãi suất còn cao, vẫn là những vấn đề chưa gỡ được.
Tín hiệu lạc qu

an
Binh bét
Binh bét

Tổng số bài gửi : 11
Đánh giá bài viết : 17
Join date : 27/11/2009

Về Đầu Trang Go down

ẢNH HƯỞNG CỦA KHỦNG HOẢNG TÀI CHÍNH THẾ GIỚI ĐẾN TÀI CHÍNH VÀ KINH TẾ VIỆT NAM.-an Empty Re: ẢNH HƯỞNG CỦA KHỦNG HOẢNG TÀI CHÍNH THẾ GIỚI ĐẾN TÀI CHÍNH VÀ KINH TẾ VIỆT NAM.-an

Bài gửi by The_Death 29/11/2009, 11:28 am

Ui,bài của bạn rất chi tiết đầy,đủ.T xin cô đọng lại bài của bạn,để thuận tiện cho bài thuyết trình nhé

I. Thị trường tài chính- Tiền tệ
Với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đang diễn ra sẽ không có nhiều tác động trực tiếp đến hệ thống tài chính Việt Nam, nhưng nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng lớn.
Chứng khoán

Ảnh hưởng đối với TTCK Việt Nam
Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng, trong quá trình thị trường tài chính có biến động mạnh ở một hoặc nhiều nước phát triển, các TTCK toàn cầu có độ liên thông lớn hơn rất nhiều so với thời kỳ ổn định. Việt Nam cũng không nằm ngoài quy luật đó.
Tuy nhiên, điều đáng lo cho TTCK Việt Nam hiện nay là động thái bán ra nhiều hơn mua vào của nhà ĐTNN.

Tác động từ sự lưu chuyển dòng vốn...
Về mặt lý thuyết, trước một cuộc khủng hoảng tài chính, các quỹ đầu tư sẽ co lại chờ đợi cơ hội, hoặc bán tháo các tài sản và chuyển thành ngoại tệ mạnh, hay nói cách là khác cơ cấu lại danh mục đầu tư theo định hướng riêng. Thế nhưng, trong số các quỹ đầu tư vẫn xuất hiện các quỹ đầu tư mạo hiểm luôn luôn tìm kiếm cơ hội khi thị trường có biến động thực sự. Và các cuộc khủng hoảng chính là cơ hội cho họ. Do đó, còn quá sớm để nói về một cuộc rời bỏ thị trường ồ ạt, khi mà các quỹ đầu tư mạo hiểm thường lẳng lặng mua cổ phiếu vào, và cũng “lẳng lặng” bán nó ra theo chiến lược của mình.

Tác động từ tâm lý
thị trường chứng khoán Việt Nam nhiều khi bị chi phối bởi tâm lý. Và có lẽ trong những ngày qua, khi thị trường tài chính thế giới gặp sóng gió, tâm lý lo lắng cũng một phần chuyển qua không ít nhà đầu tư Việt Nam. Nhưng, tâm lý lo ngại của không ít nhà đầu tư Việt Nam về thị trường chứng khoán Mỹ có biến thành quyết định bán cổ phiếu trên sàn chứng khoán Việt Nam trong hai ngày qua hay không, thì đó là câu hỏi vẫn chưa có lời giải đáp thấu đáo.việc khủng hoảng tài chính tại Mỹ lan rộng sẽ khiến các nhà đầu tư Việt Nam thận trọng hơn khi tiếp cận thị trường, nhất là những nhà đầu tư mới. Còn đối với các nhà đầu tư "kỳ cựu", nếu VN-Index tiếp tục tụt dốc mạnh qua ngưỡng 400 điểm, thì niềm tin của họ mới có thể bị lung lay mạnh.

Ngân Hàng
Tính thanh khoản cao

Vấn đề thanh khoản của các ngân hàng Việt Nam hiện nay ra sao?
Việt Nam có thị trường tiền tệ lành mạnh
Hiện nay dư nợ cho vay bất động sản là trên 115.000 tỷ đồng (chiếm 9,15% tổng dư nợ của ngân hàng). Việc quan hệ giữa ngân hàng và khách hàng đối với bất động sản là quan hệ bình thường, Chính phủ không cấm đoán. Chính phủ chỉ kiểm soát việc cho vay ngân hàng trong lĩnh vực bất động sản nếu việc cho vay khiến thị trường này phát triển không bình thường.
II. Đối với nền kinh tế
1. Những tác động chung đến nền kinh tế
Đối với nền kinh tế, có ba khả năng có thể xảy ra:
Thứ nhất, thâm hụt thương mại gia tăng.
Thứ hai, sụt giảm đầu tư do sự giảm sút của dòng vốn từ bên ngoài chảy vào.
Thứ ba, tiêu dùng giảm sút.

2. Phân tích tình hình kinh tế Việt Nam trong cuộc khủng hoảng Thế Giới
a) Đối với xuất khẩu
Nhiều đơn hàng của Việt Nam bị cắt
Thủy Sản
khủng hoảng của nền tài chính Mỹ đã ảnh hưởng rất lớn đến giá trị xuất khẩu thủy sản của thế giới, trong đó có Việt Nam. cuộc khủng hoảng tài chính của Mỹ đã lan rộng ra toàn cầu, làm ảnh hưởng đến sức mua của người tiêu dùng và sức nhập khẩu của các nhà nhập khẩu Mỹ đối với nhiều mặt hàng, trong đó có mặt hàng thủy sản.
Ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ đã lan rộng sang các nước EU, khách hàng của Công ty Minh Phú từ châu Âu đã điện thoại cho hay, do sự rút tiền hàng loạt của các nhà đầu tư Mỹ khiến cho đồng Bảng Anh bị mất giá, và nhà nhập khẩu đã bị lỗ rất nặng, họ đang cần sự trợ giúp của các nhà xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Trước tình hình trên, sức mua hàng thủy hải, sản của thế giới đang sụt giảm rất lớn. Do vậy, có những đơn hàng nhà nhập khẩu châu Âu đã ký kết xong rồi nhưng họ đã cắt không tiếp tục mua nữa, gây khó khăn cho những chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam.
Khó từ “trong ra ngoài”
Từ sau khi Chính phủ Việt Nam có chủ trương thắt chặt tín dụng, những doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản gặp rất nhiều khó khăn.
Một là tiền vốn để thu mua chế biến bị giảm xuống đột ngột. Hai là lãi suất phải trả cho ngân hàng quá cao, hiệu quả kinh doanh không còn cao như trước, từ đó làm cho “sức khỏe” của những doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam nói chung và của doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản nói riêng đã yếu hơn nhiều so với những năm trước đây.
ngành xuất khẩu Việt Nam lại bị thêm tác động bên ngoài từ những nước nhập khẩu, không chỉ có thị trường Mỹ, mà cả Nhật Bản, EU... và các nước nhập khẩu khác đang nhập khẩu thủy sản của Việt Nam cũng đang gặp khó khăn về vốn, do họ đang bị thắt chặt tín dụng cùng những biến động không lường trước.

Cao su
Tập đoàn Công nghiệp caosu Việt Nam (TĐ.CSVN) hiện đang đối diện nguy cơ nhiều hợp đồng xuất khẩu caosu dài hạn khắp thế giới (chiếm khoảng 60% sản lượng) sẽ bị vỡ.Nguyên nhân bởi cơn khủng hoảng tài chính thế giới đã khiến ngành công nghiệp liên quan đến chế biến caosu liêu xiêu. Giá cao su đang "tụt dốc không phanh". Caosu là nông sản chịu ảnh hưởng sớm nhất, mạnh nhất...
Giá cao su đột ngột giảm mạnh trong mấy tháng qua.
Một nông dân trồng cao su ở xã Long Xuyên huyện Phước Long - Bình Phước cho biết, mới tháng 9, giá mủ caosu đông bán tại vườn đang 15.000đồng/kg thì nay tụt mất hơn 1/2, chỉ còn khoảng 6.000-7.000 đồng/kg. Tuy vẫn dễ bán nhưng với giá đó, nông dân đã không còn lời.
Gạo
Hành trình hạt lúa ĐBSCL có thể chia ra mấy khâu: nông dân sản xuất ra bán cho thương lái, thương lái mua gom về bán cho vựa lúa gạo, vựa lúa gạo bán cho nhà máy xay xát, đánh bóng gạo bán cho doanh nghiệp xuất khẩu. Hiên tại nguồn cung rất dồi dào, khâu cuối cùng lưu thông (xuất khẩu) bị tắc làm cho thị trường lúa gạo bị dồn ứ, "đóng băng".
Giầy dép
Đối với mặt hàng giầy dép của Việt Nam, ngoài bất lợi do xu hướng chung, lại gặp bất lợi do EU áp thuế chống bán phá giá và không cho hưởng GSP từ năm 2009. Giá cả, vốn là lợi thế cạnh tranh của giầy dép Việt Nam, sẽ ngày càng tăng, tạo sức ép lớn lên lượng hàng bán ra thị trường. Như vậy, giầy dép Việt Nam sẽ phải cạnh tranh cả về mặt chất lượng lẫn giá cả với các nhà sản xuất giầy Châu Âu, Trung Quốc...
Cá Basa
Theo các doanh nghiệp chế biến, giá cá sụt mạnh trong những ngày qua là do khủng hoảng tài chính thế giới, đặc biệt là khủng hoảng tài chính Mỹ.Ngoài ra, việc thắt chặt tín dụng của các nước đã khiến cho các nhà nhập khẩu không có tiền trả cho doanh nghiệp ngay khi nhận hàng như trước đây,
Việc xuất khẩu sang thị trường Mỹ lại càng khó khăn hơn. Thông thường vào thời điểm này các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra, basa của Việt Nam nhận được rất nhiều đơn hàng cho lễ Noel từ EU, Mỹ và Đông Âu..., nhưng hiện nay các nhà nhập khẩu đã ngưng đặt hàng, có những hợp đồng đã ký thì hoãn xuất hoặc dừng hẳn.
Không chỉ doanh nghiệp mà nông dân nuôi cá cũng gặp khó, vì nhiều bất cập xảy ra với con cá tra, giá thành vẫn cao do giá thức ăn, thuốc thú y trong nước bị đẩy lên cao, trong khi giá nguyên liệu nhập đã giảm rất nhiều so với trước đây.

The_Death
Binh nhì
Binh nhì

Tổng số bài gửi : 33
Đánh giá bài viết : 42
Join date : 01/05/2009

Về Đầu Trang Go down

ẢNH HƯỞNG CỦA KHỦNG HOẢNG TÀI CHÍNH THẾ GIỚI ĐẾN TÀI CHÍNH VÀ KINH TẾ VIỆT NAM.-an Empty Re: ẢNH HƯỞNG CỦA KHỦNG HOẢNG TÀI CHÍNH THẾ GIỚI ĐẾN TÀI CHÍNH VÀ KINH TẾ VIỆT NAM.-an

Bài gửi by Black Fox 29/11/2009, 12:48 pm

Bài của Đức hình như Hồng đã xem và thêm vào bản Word rồi, chiều K ra quán có máy tính òi edit lại =.= bi h đang onl bằng đt, nhà máy tính hỏng, rõ là nhục
Black Fox
Black Fox
Lie to me...again
Lie to me...again

Nam Tổng số bài gửi : 1146
Đánh giá bài viết : 3192
Join date : 20/04/2009
Age : 33

https://nhek25.forum-viet.com

Về Đầu Trang Go down

ẢNH HƯỞNG CỦA KHỦNG HOẢNG TÀI CHÍNH THẾ GIỚI ĐẾN TÀI CHÍNH VÀ KINH TẾ VIỆT NAM.-an Empty Re: ẢNH HƯỞNG CỦA KHỦNG HOẢNG TÀI CHÍNH THẾ GIỚI ĐẾN TÀI CHÍNH VÀ KINH TẾ VIỆT NAM.-an

Bài gửi by Sponsored content


Sponsored content


Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết